Tôi có một video làm khá lâu phân biệt cây thương lục với cây nhân sâm và cây đẳng sâm. Mỗi tháng đều có người liên hệ nhờ phân biệt, cả trước và sau khi sử dụng bị trúng độc, nôn mửa. Và báo chí lâu lâu vẫn có người nhập viện vì dùng cây này. Chỉ có những người nghiên cứu Y cổ truyền, thảo dược, quan tâm đến những tin tức này, còn lại ít ai biết đến, chỉ đến khi sử dụng mới thấy nguy hiểm nhường nào.
Loại cây này mọc rải rác ở các tỉnh miền núi. Người dân đi đào bán với tên là cây Sâm Đá, Nhân Sâm, Sâm Đất,…Nhưng không phải là Sâm. Cây Thương Lục còn gọi là trưởng bất lão, kim thất nương. Tên Khoa Học Phytolacca esculenta Van Hout.
Hiện nay trên thị trường đang nhầm lẫn giữa cây thương lục, với cây nhân sâm và đẳng sâm, nhiều người còn ẩu đem cây thương lục thái lát ra bán cho khách và quảng cáo nhân sâm hàn quốc ngâm mật ong gây trúng độc. Cây này là một loại cây di thực vào nước ta hơn 10 năm, mục đích ban đầu là làm cảnh. Hiện nay ở các vùng núi vẫn còn thấy cây này, rất nhiều người đào lên rửa sạch, bán loại này, nhìn rất giống củ Sâm, nhưng để ý kỹ sẽ thấy khác, có rất nhiều cái tên mỹ miều được quảng cáo là “hồng sâm”, “cao ly sâm”...; trong đó đã có người đem củ ngâm rượu uống bị đau bụng dữ dội suýt phải đi cấp cứu. Chưa nói nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Thương lục còn có tên là trưởng bất lão, kim thất nương, tên khoa học là Phytolacca acinosa Roxb. (P. esculenta Van Houtte), là cây mới được di thực du nhập vào nước ta mấy thập kỷ gần đây. Trong nước vốn có sẵn loài thương lục Phytolacca decandra L. còn gọi là thương lục Mỹ (Phytolacca americana L.) hay dân gian còn gọi sâm voi vì cây mau lớn, sau 6 - 7 tháng cho củ to bằng cổ tay hình rất giống củ sâm (sự nhầm lẫn chết người từ đây mà ra). Cây thương lục có độc gần như hết các bộ phận. Thương lục cũng là một vị thuốc Đông Y, nhưng nó ít dùng vì nó có độc. Trong Thần Nông Bản Thảo Kinh có từ 2000 năm trước có nhắc đến Thương Lục, nhưng được xếp vào nhóm hạ phẩm, tức là có công dụng trị bệnh nhưng có độc, nên rất ít thầy thuốc dùng.
Trích Từ điển cây thuốc của Võ Văn Chi:
Thành phần hóa học: Trong củ có một chất độc đắng gọi là phytolaccatoxin, rất nhiều muối kali nitrat, axit oxymyristinic và một chất steroid saponin; có sách nêu có axit esculentic.
Tính vị, tác dụng: Rễ có vị đắng, tính lạnh, có độc. Có tác dụng trục thủy tiêu thũng, thông lợi nhị tiện, giải độc tán kết. Ở Ấn Độ cây được xem như có tác dụng gây ngủ. Trong rễ có steroid saponin, chất này có tác dụng diệt tinh trùng.
Trong tất cả các sách vở Đông Y đều ghi đến những đoạn nhầm lẫn giữa Thương Lục và Đảng Sâm, Nhân Sâm. Củ này có nơi còn gọi là “Giả Nhân Sâm” củ tươi nhổ lên có mùi như Sâm, nhưng không phải Sâm.
Có giai đoạn cả một huyện thí điểm trồng cây này, trước khi biết được loại này không hề có giá trị, cũng như có độc. Trong sách Trồng hái và dùng cây thuốc của Lê Trần Đức, NXB Nông nghiệp in năm 1984 đã từng lưu ý: “Hiện nay củ thương lục được bán ở Hà Nội và chở vào miền Nam bán với tên giả mạo hồng sâm hay phòng sâm. Củ thương lục chính là một vị thuốc công hạ mãnh liệt, có thể gây sảy thai... Dù người khỏe mạnh mà dùng thì cũng tổn thương gân cốt và hại thận”. Tuy nhiên những nghiên cứu chuyên môn thế này ít có cơ hội tiếp xúc với người sử dụng. Dẫn đến nhầm lẫn, cũng như thời đại nhiều người bán hàng trực tuyến, bạ đâu bán đó, hết tráng dương bổ thận, tới bổ các kiểu, dẫn đến người sử dụng lạc vào ma trận giữa thật và giả. Dẫn đến nhiều chuyện đáng tiếc xảy ra.
Như dưới đây là câu chuyện tôi trao đổi với một anh, được một người bạn cho một hũ Sâm thái lát ngâm mật ong, nhưng cuối cùng là củ thương lục, dẫn đến bị trúng độc. Tôi hay chia sẻ về các loại dược liệu, mỗi loại đều có công dụng riêng và dùng phải đúng lượng, đúng tính chất cũng như yêu cầu rất nhiều về kinh nghiệm của người thầy thuốc. Đó là Tứ Chẩn, hiểu thật rõ tính chất cây thuốc Đông Y. Chứ không phải cứ nạp vào là không bổ dọc cũng bổ ngang, dẫn đến bổ đâu không thấy mà chỉ thấy tiền mất tật mang.
Cần chú ý thương lục là một vị thuốc công hạ (tẩy xổ ) mãnh liệt, có thể gây sảy thai, nên không dùng cho phụ nữ có thai và người già, người tỳ vị hư nhược. Ngay cả người trai trẻ khỏe mạnh mà dùng nhiều và dùng lâu dài thì cũng tổn thương gân cốt và hại thận.
Tác giả bài viết: Mr Trường - Y sĩ Y Học Cổ Truyền
Nguồn tin: Nhật Trường Kon Tum:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn