Sau đây tôi sẽ tổng hợp 10 loại Đặc Sản Ẩm Thực ngon ở phố núi Kon Tum, xem các trang review họ đưa ra các đặc sản mang tính chất quảng cáo, chứ không hẳn người Kon Tum ăn và đặc biệt review các loại Tôm Hùm đặc sản khi đi du lịch Kon Tum thì không phù hợp cho lắm, lên núi thì phải đồ núi
1. Phở Khô
Không biết từ bao giờ, loại Phở khô này tôi ăn từ ngày còn bé, gọi là Phở nhưng cọng mỏng hơn cọng hủ tiếu ở miền Nam, và không phải là loại Phở Bắc
Sau này người ta gọi là Phở Hai Tô, Ba Tô cũng là Phở Khô Kon Tum. Gọi là Phở Khô nhưng ta có thể ăn Phở Nước hay Phở Khô.
Phở Khô ở Gia Lai ngày đó gia lai được biết đến nhiều hơn, nên thường được biết tên Phở Khô Gia Lai, ở Kon Tum cũng tương tự vậy, và Pleiku và TP Kon Tum cách nhau 50km
2. Gỏi Lá
Gỏi Lá là đặc sản 10 năm trở về đây, món gỏi này đặc biệt là ở chỗ nhiều loại lá, còn về cách dùng cách ăn dường như giống với các loại gỏi ở các tỉnh phía Bắc. Về cách sử dụng và cách chế biến tương đồng, chỉ khác là ở Kon Tum dùng nhiều loại lá hơn.
Sở dĩ gọi là Gỏi lá Kon Tum tại vì món này được chế biến từ 30 - 60 loại lá khác nhau. Có một số loại lá đặc biệt, chỉ có ở Kon Tum như lá trâm, lá bứa, từ đại bi, lá ngành ngạnh đỏ… kết hợp với các loại lá phổ biến hơn như lá sung, lá ổi, lá chùm ruột, lá xoài, lá đinh lăng… Gỏi lá thường được ăn kèm với thịt ba chỉ thái mỏng, tôm đất ram khô và bì heo. Món bì heo trông đơn giản nhưng lại đòi hỏi quá trình chế biến công phu, trải qua nhiều giai đoạn như thái nhỏ, giã riềng, trộn thính và gia vị. Món ăn này cũng không thể thiếu đi đĩa tiêu hạt, muối và ớt chỉ thiên, loại ớt cay và có màu xanh đặc trưng của vùng đất đỏ bazan.
3. Xôi Măng
Nói đến Măng Le những người con quê Kon Tum xa xứ đều nhớ đến và mong muốn về quê để thưởng thức loại Măng đặc biệt này.
Ở Kon Tum món ăn mà tôi nhớ có thể là một món ăn Đặc Sản quen thuộc trong nhiều ký ức của mỗi thế hệ, đó là món xôi Măng, sáng nào cũng thưởng thức món xôi Măng thay thế bánh mì trong ngày mở cửa còn khó khăn. Xôi Măng vị ngọt, béo kết hợp với Xôi thơm phức không chỉ những lớp học sinh cắp sách tới trường mà được mẹ dúi cho nắm xôi măng mà còn là người lớn thưởng thức với cà phê sáng giữa tiết trời Đông xe lạnh.
4. Bún Cua
Nói đến Bún Cua thì chúng ta nghĩ ngay cua Biển, nhưng đây là loại cua Đồng, loại bún này dành cho thực khách thích ăn đậm đà, mặn và cay
Món bún cua này gọi 1 tên khác nữa là bún cua thối, để nói cái mùi đặc trưng của loại bún này khác với bún riêu cua và bún các loại cua khác, màu đen đặc sệt
Cua đồng tươi sau khi mua về được rửa sạch, bỏ phần mai, lấy phần thân đem giã hoặc xay nhuyễn rồi lọc lấy nước. Nước cua tươi được ủ lên men khoảng một ngày đêm cho đến khi chuyển màu đen và bốc mùi nồng, thì đem ra chế biến. Phần nước cua đã lên men tiếp tục được đun sôi liu riu trên bếp lửa rồi cho thêm măng tươi thái mỏng. Đun càng lâu, măng càng tiết ra vị ngọt khiến nồi nước dùng càng đậm đà. Người ta cho thêm cả trứng vịt chín vào nồi nước, khi khách gọi đồ thì mới múc ra, chan kèm vào bát bún.
Món ăn chỉ có bún, măng, vài miếng da heo chiên giòn với hành phi, đậu phộng kèm theo phần nước dùng đen ngòm, đặc sánh. Tuy nhiên, khi thưởng thức quen rồi, sẽ cảm nhận được vị ngon, thơm đặc trưng của món ăn "trứ danh" này. Bún cua ăn kèm với rau sống. Thực khách có thể gọi thêm bánh phồng tôm, nem chua, chả… rồi chan nước cua ngập phần nhân bên trong. Để món ăn có độ bùi béo, thơm ngon, bạn nên thưởng thức kèm trứng vịt luộc được nấu cùng nước dùng. Quả trứng "nhuộm" màu đen ngòm, thoang thoảng vị cua lên men khá lạ.
5. Gà Nướng Cơm Lam Măng Đen
Nằm trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Măng Đen được biết đến là cao nguyên nằm trong dãy Trường Sơn sở hữu độ cao trên 1200m so với mực nước biển, thuộc phía Bắc Tây Nguyên và cách TP. Kon Tum khoảng 50km. Chính nhờ độ cao ấn tượng này mà Măng Đen có hệ thực vật nguyên sinh đa dạng bao quanh, kết hợp cùng khí hậu trong lành, mát mẻ tạo nên điểm đến lý tưởng cho du khách hiện nay.
Gà Nướng hằng ngày tại chỗ ở các nhà hàng khu du lịch Măng Đen đã trở thành một món ăn gắn liền với vùng đất này. Ăn kèm với Gà Nướng là Cơm Lam. Để nấu cơm lam, đầu bếp chọn ống tre non, chặt đoạn dài rồi rửa sạch, đổ gạo cách miệng ống một đoạn để chừa chỗ cho gạo nở và bít lại bằng lá rừng. Gạo ngon là loại nếp nương có hạt nhỏ, thon dài và dẻo thơm khi chín.
Gà nướng không thể thiếu chén muối lá é, một loại lá có mùi thơm gần như húng quế. Chén muối chấm không quá cầu kỳ, nhưng lại quện vị thêm hương cho thịt gà.
6. Cá Tầm Măng Đen
Khi quý khách đi du lịch Măng Đen có thể ăn cá tầm, loại cá này được nuôi ở những vùng lân cận. Dùng chế biến nướng hay lẫu.
Là loài cá không xương, cá tầm là loài cá không có xương mà thay vào đó là các hàng sụn quanh người cá. Sụn cá mềm và rất dễ chế biến, dễ ăn
7. Heo Rừng
Heo Rừng thì cũng tùy thời điểm quý khách tới Kon Tum sẽ bắt gặp người dân bán heo rừng, có thể là nuôi có thể là săn từ tự nhiên.
Ở các nhà hàng thì heo rừng vẫn luôn có, cũng thử món heo với lớp da dầy này, heo rừng nướng chấm muối ớt là đã ngon.
8. Lẩu Bò
Ở Kon Tum là phải ăn lẩu bò, đây là món ăn quen thuộc từ những ngày xưa cũ, Bò được chăn thả của người địa phương.
Bò Kon Tum nổi tiếng đặc sản ngon trứ danh, ở những ngày lạnh, ăn nồi lẫu Bò với ly rượu Sâm hay rượu Chuối Hột Rừng khi đến đây du lịch là một lựa chọn tuyệt vời
9. Café
Không đâu như Kon Tum, đâu đâu cũng là quán Café, quán đủ kiểu, đủ gu, đủ phong cách khác nhau, ở đây quý khách không khó để kiếm một quán café từ bình dân tới rộng lớn, sang chảnh
Café phục vụ rất nhiều kiểu từ Café phin truyền thống tới café máy, sau đến café trứng và café muối. Tối đi dọc phố đi bộ kon tum sông Dakla rất nhiều quán café tại đây, với giá ly café rất bình dân
10. Bánh Cuốn và Chè
Bánh Cuốn là một kiểu như bánh cuốn Bình Định nhưng có vẻ nhỏ hơn, bánh cuốn bên trong có thịt nướng, chấm với nước tương đậu. Tối đến quý khách có thể ra ngã tư chỗ chợ sẽ rất nhiều quán bán. Ngoài ra Chè và Sinh Tố trái cây thì đa dạng, dùng để ăn uống những ngày hè nóng nực