Tôi thuộc tuýt người hoài cổ, nó có cái dở của nó, nhưng đôi khi mình trôi dạt về những ký ức lẫn lộn ngày xưa cũ vẫn thấy như mình sống tại đó và cảm nhận. Ngày bé thì cứ mong một ngày mình sẽ tới những đô thị nhộn nhịp, cảm thấy nó rất mới mẻ, nhưng đến một lúc cảm nhận những thứ đó quá đỗi bình thường, tìm lại những góc xưa cũ mới là khó và dường như không còn nữa. Xóm tôi ngày đó phải nói là con đường đất, cây cối um tùm, tối đến con đường tối mù, không có điện, đến nỗi những câu chuyện ông bà kể lại, sáng gánh hàng ra chợ, ma ở trên cây này cây kia, mà tôi lúc đó rất tin.
Ngày Trung Thu là một ngày những đứa nhỏ như chúng tôi rất chờ đợi, có thể 1 bịch bánh nhỏ từ phường, nhưng tôi vẫn rất nhớ mãi về những chiếc bánh trung thu ngày ấy, bánh trung thu mà đến giờ tôi không biết phải mô tả thế nào, lúc đó khi đất nước bước vào thời đổi mới, mẹ tôi hay mua một loại bánh trung thu, chính xác nó giống như cái Bánh Pía bây giờ, đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, nhưng cái bánh này nhỏ hơn, chắc có lẽ bằng một phần tư cái bánh pía bây giờ, lúc đó rất thích ăn cái vỏ mỏng bột. Cảm giác rất ngon. Đó là bánh trung thu nhà tôi ngày đó.
Thực tế ngày đó bánh trung thu cũng đã bán, nhưng giá rất đắt, chỉ nhà khá giả mới ăn, đó là thật. Sau này ít năm thì mẹ tôi hay mua cái bánh trung thu dẻo để ăn, cứ đến Trung Thu mua 1 cái, chia làm 4, mỗi người được 1 miếng. Nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ đến cái vị ngon của bánh dẻo trung thu ngày đó, nhưng giờ thấy loại bánh này lại ít bán. Cái loại bánh trắng, bột dẻo trong là nhân đậu xanh. Dù bây giờ bánh trung thu bán nhiều, nhà được tặng không ít, nhưng ăn không ngon như những loại bánh ngày ấy, có thể vì ngày ấy khó khăn, có thể do tôi hoài cổ.
Dù không biết tại sao, có nguồn gốc lịch sử gì không, hoặc có thể Kon Tum là nơi người tứ xứ về, mà Trung Thu trên Kon Tum rất nhộn nhịp, ngay cả khi tôi viết những dòng này thì đầu lân đang chạy khắp phố phường, rất nhiều đoàn, múa rất bài bản, đánh trống nghe vang dội khắp phố phường. Bùm Bùm Bùm Chát… Đầu lân thì đa dạng sắc màu, có năm thì có cả đầu rồng, quần áo đầu tư rất bài bản. Nhớ ngày đó toàn thuê ba gác để chở đầu lân, có xóm thuê cả xe tải để múa diễu quanh khắp phố phường. Ngày nay khi các trò chơi truyền thống, những văn hoá truyền thống bị mai một bởi những nhịp sống hiện đại, thanh niên thì vào những đô thị lớn để làm, nhưng tại Kon Tum, tôi vẫn thấy cái lửa đó khi những ngày lễ hội đến gần, trung thu, noel rất vui, tôi nghĩ đó là nhờ những người đứng sau âm thầm giữ lửa, những người yêu quý mảnh đất ấy.
Ngày đó, đèn cầy thì chỉ dùng khi nhà bị cúp điện, chứ cũng chưa phổ biến, món mà chơi Trung Thu của những đứa nhỏ xóm tôi là cây đuốc, nghe có vẻ nguy hiểm nhưng cũng khá vui. Đuốc là cây tre hay cây lồ ô, ở đoạn đầu là một lớp vải, hình như là vải bố, nhúm với dầu lửa, thế mà đốt cả đêm. Nhà đứa nào mà sang, có anh chị làm cho cái loại đèn, gọi là đèn lon, có cái cây, đẩy đi rất vui, cái lon ở trên xoay tròn, như ánh đèn xoay mấy nhà hàng hiện đại bây giờ. Đêm tối rất đẹp, nhưng sao thấy giờ ít người làm cái đó, chứ món đó tôi thấy rất hay, và thiết kế rất thông minh. Chơi chắc bền ít hư.
Thành phố Kon Tum thì giờ đã khang trang lắm rồi, không còn thị xã như xưa, có ông bác Việt Kiều điện về hỏi, Kon Tum giờ còn rừng nữa không, giờ vẫn còn rừng, nhưng ở huyện, còn ở thị xã năm nào thì giờ nhịp sống có vẻ đã thay đổi khá nhiều. Những lớp cha ông đã đi qua, khai phá mảnh đất này, đến ngày nay thì chúng tôi tiếp tục tiếp nối phát triển nó, dù ít dù nhiều, nhiều khách hàng Nhật Trường Kon Tum biết Kon Tum chứ không phải Kon tôm. Biết đến nơi đây những văn hoá đa dạng và biết đâu hên xui xây dựng thành phố du lịch thì sao?