Theo y học cổ truyền, củ hà thủ ô có vị đắng ngọt chát, tính hơi ôn. Vị đắng liên quan đến lạnh, vị chát liên quan đến táo sáp mới dẫn đến đại tiện đi nhiều lần, phân vừa táo vừa nát. Đó là tác dụng không mong muốn. Vì vậy, y học cổ truyền thường dùng hà thủ ô chế. Hà Thủ Ô có tên khoa học là Fallopia multiflora.
Củ hà thủ ô được rửa sạch, cạo bớt phần vỏ đen bên ngoài; ngâm với nước gạo 24 giờ. Sau đó thái miếng, loại bỏ lõi, chưng cách thủy với nước đậu đen (cứ 1kg hà thủ ô cần 100-300g đậu đen). Đêm chưng nấu, ngày đem ra phơi và tẩm lại nước đỗ đen còn trong nồi nấu (sái). Nếu chưng và sái được 9 lần thì tốt nhất. Cách làm trên giảm bớt độc tính, tăng sức bổ và đưa thuốc vào thận. Vị thuốc như miếng gan khô, vị ngọt hơi đắng chát.
Theo y học hiện đại, hà thủ ô sống chứa khoảng 7,68% tanin; 0,259% dẫn chất antraqinon tự do; 0,805% các antraglycozid. Sau khi chế biến như trên, dược liệu còn chứa 3,8% tanin; 0,113% các chất antraquinon tự do; 0,25% các antraglycozid và nhiều chất khác.
Tanin là chất có tác dụng săn se, cố sáp, có tác dụng cầm tiêu chảy; các antraglycozid là những chất có tác dụng nhuận tràng, thông tiện, thường dùng với những người bị táo bón kinh niên. Tuy nhiên, phải dùng đúng liều lượng để tránh tác dụng không mong muốn.
Hà thủ ô còn có tên khác: Dạ giao đằng, dạ hợp, thủ ô... Tên khoa học: Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson., thuộc họ Rau răm (Polygonaceae). Hà thủ ô ở Việt Nam có hai loại chính là hà thủ ô trắng và hà thủ ô đỏ. Tuy nhiên loại hay thường dùng làm thuốc chữa bệnh là hà thủ ô đỏ.Vào đời Đường bên Trung quốc có một người tên là Hà Điền Nhi ốm yếu từ nhỏ, năm 58 tuổi vẫn chưa có con bởi vậy trong lòng phiền muộn khôn nguôi.
Một hôm, họ Hà buồn quá bèn xuống núi uống rượu say đến nỗi nằm lăn ra ngủ cạnh bìa rừng mà không biết. Khi tỉnh dậy, anh ta chợt nhìn thấy bên cạnh mình có một loại cây thân leo, từng cặp, từng cặp quấn chặt lấy nhau hồi lâu rồi buông ra và lại quấn với nhau rất là kỳ quái.
Đợi khi trời sáng, Hà Điền Nhi bèn đào lấy rễ cây đem về nhà kiên trì sắc uống. Sau nhiều tháng, tóc anh ta từ bạc trắng chuyển thành đen nhánh,thân hình trở nên cường tráng, trong 10 năm sinh liền mấy đứa con, sống thọ tới 160 tuổi.
Cháu nội của Điền Nhi là Hà Thủ Ô dùng thuốc cũng thọ tới 130 tuổi mà tóc vẫn còn đen bóng. Anh ta đem thuốc cho họ hàng và bà con làng xóm cùng dùng, bởi vậy mọi người gọi cây thuốc này là hà thủ ô.
Đen tóc: Theo quan niệm của y học cổ truyền, râu tóc có quan hệ mật thiết với tạng thận, thận tàng chứa tinh, tinh sinh huyết. Tóc là phần thừa của huyết cho nên nếu thận hư yếu thì tóc không được nuôi dưỡng đầy đủ nên sớm bạc và dễ rụng.
Ngược lại nếu thận tinh sung túc thì râu tóc dầy khỏe và đen bóng. Hà thủ ô có công dụng bồi bổ can thận, dưỡng huyết tư âm bởi vậy khả năng làm đen râu tóc của vị thuốc này là điều dễ hiểu.
Lưu ý: Sản phẩm này không phải là thuốc, không thể thay thế thuốc chữa bệnh