Tri mẫu là dược liệu có vị đắng, tác dụng thanh nhiệt, giáng hỏa và được sử dụng trong Y Học Cổ Truyền với nhiều công dụng như điều trị viêm phổi, hạ sốt, kháng khuẩn...
Tri mẫu có tên khoa học là Anemarrhena asphodeloides Bunge, thuộc họ Hành (Liliaceae).
Cây tri mẫu thường được sử dụng thân rễ làm thuốc. Thân rễ được phơi khô hoặc sấy khô. Trước khi được sử dụng trong y học, thân rễ của tri mẫu được sơ chế bằng các phương pháp Y Học Cổ Truyền. Phương pháp sơ chế chính là tẩm nước muối hoặc tẩm rượu nhạt rồi đem sao. Dược liệu sau khi sơ chế cần được bảo quản ở nơi khô ráo, tránh độ ẩm cao.
Nghiên cứu của các nhà nhà khoa học cho thấy tri mẫu chứa thành phần chính là saponin và sapogenin steroid như sarsasapogenin, sarsasapogenin glycosid. Bên cạnh đó, dược liệu này còn chứa các nhóm hóa học khác như norlignan (hinokiresinol, oxyhinokiresinol), glycan (anemaran A, B, C và D), xanthon C-glucosid (mangiferin, isomangiferin)...
Theo Y Học Cổ Truyền, tri mẫu có vị đắng, tính lạnh, quy kinh thận, phế và vị. Dược liệu này có tác dụng chủ yếu là thanh nhiệt, tư âm, giáng hỏa. Khác với các vị thuốc có vị đắng tính lạnh như Hoàng Liên, Hoàng Bá, Hoàng Cầm bên cạnh tác dụng thanh nhiệt lại có nhược điểm là hóa tá thương âm. Tri mẫu thì không có nhược điểm trên và còn có tác dụng tư âm giáng hỏa. Vì vậy, dựa vào công dụng của tri mẫu đối với sức khỏe mà dược liệu này được sử dụng trong các trường hợp âm hư phát nhiệt, cốt chưng, di tinh, tiểu tiện vàng... Phối hợp dược liệu này với Địa cốt bì, Sinh địa, Tần giao, Bạch thược, Hoàng bá trong các trường hợp phế lao khái thấu, tiêu khát,..
Bên cạnh đó, tri mẫu còn được dùng điều trị sốt cao, đái tháo đường, ho, ho đờm thở dốc, ho do lao, ngực nóng khó chịu, đại tiện táo bón. Trong Y Học Cổ Truyền của Trung Quốc, tri mẫu có tác dụng an thần, hạ sốt, lợi tiểu và điều trị bệnh lang ben, các bệnh nhiễm khuẩn.
Liều dùng thông thường của tri mẫu khoảng từ 4 – 10g trong ngày, dùng dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc có thể kết hợp với một số vị thuốc khác. Tuy nhiên, liều dùng cụ thể của tri mẫu phụ thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe và tình trạng bệnh mắc phải.
Tri mẫu không được khuyến cáo sử dụng liên tục trong thời gian dài vì có thể gây tiêu chảy.
Chưa có nghiên cứu nào chứng minh việc sử dụng tri mẫu là an toàn cho phụ nữ có thai. Vì vậy, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng dược liệu này cho phụ nữ đang mang thai.
Tri mẫu không được sử dụng ở người bệnh thận dương hư – mạch hai bộ xích vi nhược và người bệnh đại tiện lỏng.